Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Giáo dục giới tính nên bắt đầu từ sớm

Một nghiên cứu cho thấy, nếu được giáo dục giới tính từ sớm, trẻ sẽ không có những hành vi lệch lạc về giới tính, sinh hoạt tình dục muộn hơn và có ít nguy cơ bị xâm hại hơn những trẻ tự mò mẫm trong bể kiến thức về giới tính.

Giáo dục giới tính cho trẻ nên bắt đầu khi nào và như thế nào luôn là những câu hỏi làm đau đầu các bậc phụ huynh. Tâm lý chung của cha mẹ là lúng túng, lảng tránh khi gặp phải những câu hỏi bất ngờ thốt ra từ miệng con trẻ.

Những chuyện bi hài

Việc giáo dục giới tính cho con có thể bắt đầu từ khi trẻ 3,4 tuổi

 

Một hôm, chị Lan, giáo viên một trường tiểu học ở Hà Nội, đang làm bếp thì cô con gái 9 tuổi bỗng nhiên hỏi: "Mẹ ơi, tinh trùng là gì? Có phải là em bé không?" Chị Lan giật thót mình. Không kịp phản ứng trước câu hỏi đột ngột của con, chị ậm ừ rồi đánh trống lảng sang chuyện khác.

Chị Hoa, cán bộ dự án của một tổ chức phi chính phủ, cũng từng "tắc tị" trước thắc mắc hết sức ngây thơ của cô con gái đang tuổi mẫu giáo: "Mẹ ơi, tại sao các bạn trai đái đứng, còn các bạn gái lại đái ngồi?".

Còn chị Thu, nhân viên thu ngân của một siêu thị lớn tại TP.HCM, thì được một phen cười nghiêng ngả khi đứa con gái 10 tuổi tâm sự: "Mẹ ơi, dạo này con hay nằm mê lắm. Con đọc sách thấy người ta nói rằng như vậy là con bị mộng tinh. Phải không mẹ?".

Tuy nhiên, sau khi tràng cười chấm dứt, chị Thu chợt nhận ra rằng đã đến lúc phải nói với con về giói tính. Nhưng nói thế nào thì chị vẫn chưa hình dung ra.

Không gặp phải những câu hỏi "hóc búa" của con về vấn đề giới tính, song vợ chồng chị Hồng, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, lại tá hỏa khi một hôm, cô con gái lớp chồi mách mẹ: "Mẹ ơi lúc này chị bảo con hôn bím chị, rồi chị hôn bím con". Quá bất ngờ trước một tình huống không thể nào ngờ tới, vợ chồng chị Hồng đã phải gọi điện cho nhà tư vấn.

Nói từ sớm

Những tình huống bi hài xung quanh chuyện trẻ con thắc mắc về giới tính, hoặc bắt mắt trước một màn diễn mà chúng được chứng kiến qua phim ảnh không phải là hiếm trong xã hội ngày nay. Xu hướng chung của các bậc cha mẹ khi gặp phải những tình huống này là quát tháo cho đó là chuyện bậy bạ hoặc lúng túng, không biết cách giải thích rồi lảng tránh.

Theo các nhà tâm lý, cách phản ứng đó đều không tích cực. Họ cho rằng cha mẹ cần phải nói chuyện với con về giới tính càng sớm càng tốt. Theo chị Liên Phương, chuyên gia tư vấn của Trung tâm tư vấn Linh Tâm thì việc giáo dục giới tính cho con có thể bắt đầu từ khi trẻ 3, 4 tuổi.

Ở tuổi này, trẻ đã bắt đầu tự khám phá về cơ thể mình và có những thắc mắc về sự khác nhau giữa cơ thể con trai và con gái. Nếu được người lớn giải đáp thỏa đáng, trẻ sẽ cảm thấy thỏa mãn và không có những hành động lệch lạc. Hơn nữa, với tình trạng xâm hại trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, ngày một phổ biến, việc giáo dục giới tính cho bé còn là cách giúp bé tự phòng vệ.

Nói một cách khoa học

Nói với con cái về giới tính cần phải dựa vào lứa tuổi của chúng để có cách tiếp cận phù hợp. Với trẻ lứa tuổi mẫu giáo, chưa đủ nhận thức để hiểu được những kiến thức rắc rối, cách nói chuyện của cha mẹ cần phải trực quan và dễ hiểu.

Tốt nhất là nên liên hệ với những hình ảnh sinh động trong cuộc sống xung quanh bé. Mua truyện tranh có nội dung về giáo dục giới tính cũng là một giải pháp có hiệu quả nếu cha mẹ không có khả năng diễn đạt.

Với trẻ lớn hơn, đã có hiểu biết và nhận thức, cha mẹ nên giải thích với trẻ một cách chính xác, khoa học. Tuy nhiên, chị Liên Phương cho rằng, không nên biến việc giáo dục giới tính thành những buổi nói chuyện nghiêm túc theo kiểu: "hôm nay mẹ có chuyện cần nói với con". Đề cập về giới tính với con cần linh hoạt và nên xen kẽ vào những lúc thuận tiện, như thế sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Ví dụ, khi con thắc mắc, bạn có thể nhân cơ hội đó để cài thêm kiến thức về giới tính. Cách trò chuyện, tâm tình thân mật và cởi mở, dí dỏm sẽ khiến trẻ không cảm thấy đây là một lĩnh vực quá bí hiểm. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng thắc mắc và hỏi bố mẹ những chuyện liên quan đến giới tính. Rất nhiều bậc phụ huynh cho biết, con cái họ chả bao giờ hỏi han.

Theo chị Liên Phương, trẻ không hỏi không có nghĩa là chúng không quan tâm đến chuyện này mà chúng đã tự tìm hiểu theo các riêng của chúng. Thông thường nhất là trẻ mò mẫm tìm đọc các bài viết trên mạng hoặc đọc những quyển sách mà bạn bè truyền tay nhau. Điều này vô cùng nguy hiểm vì chúng chưa đủ khôn lớn để phân biệt được đâu là những thông tin đúng đắn và đâu là những thông tin nguy hại.

 

Mẹ có thể mua truyện tranh có nội dung về giáo dục giới tính cũng như một giải pháp có hiệu quả nếu cha mẹ không có khả năng diễn đạt cho bé hiểu 
Thông tin cho bạn hãy giải thích cho trẻ

 

- Khi trẻ thắc mắc, cha mẹ không nên chặn đứng sự tò mò của trẻ bằng những câu nói kiểu như: "Vớ vẩn, nhảm nhí!" Hoặc quát mắng trẻ. Điều này sẽ cắt đứt sợi dây liên lạc giữa cha mẹ và con cái. Lần sau, khi có bất cứ thắc mắc gì, trẻ sẽ không trao đổi với cha mẹ nữa.

- Nếu chưa thể trả lời ngay những câu hỏi của trẻ, cha mẹ nên hoãn binh bằng cách: "Để mai bố/mẹ trả lời nhé! Bố/mẹ phải tìm hiểu thêm tí đã". Như vậy, bạn sẽ có thời gian đọc sách hoặc nhờ chuyên gia tư vấn để có cách giải thích tốt nhất.

- Giáo dục giới tính không chỉ là cung cấp cho trẻ những kiến thức về giới tính mà còn giúp trẻ thấy yêu quý, tự hào về cơ thể mình để trẻ biết tự vệ trước những hành động quấy rối của kẻ xấu.

 

Bí quyết giúp vợ chồng hòa hợp chuyện chăn gốiBí quyết giúp vợ chồng hòa hợp chuyện chăn gốiViêm đường tiết niệu, nên ăn gì?Viêm đường tiết niệu, nên ăn gì?Sếp và “bản lĩnh đàn ông”Sếp và “bản lĩnh đàn ông”

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét